Dịch Vụ Thuê Trai

Chương 42




- Gì chứ? Hẹn hò mỗi tối với cậu ta còn chưa đủ. Bây giờ cô còn xin nghỉ phép để đi chơi cậu ta nữa à?

Khá khen cho sự liên tưởng phóng đại của Dũng. Tôi chỉ nói một câu xin phép nghỉ vì việc nhà mà anh ta đã vẽ ra được cả một câu chuyện như thế. Nhưng tôi chẳng muốn giải thích và cảm thấy chẳng cần thiết phải giải thích với anh ta làm gì.

- Tôi vẫn còn ngày nghỉ phép mà…

- Nhưng sắp tới ngày tổ chức tiệc của ông Lâm rồi. Cô không định làm việc à?

Tôi hít một hơi thật sâu, lấy hết tất cả sự bình tĩnh và ôn hòa để nói chuyện với Dũng.

- Tôi sẽ không để ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Anh an tâm.

Lần này ánh mắt quyết tâm của tôi đã giúp tôi chiến thắng. Dũng nhìn thấy tôi nghiêm túc đề nghị thì không ý kiến gì thêm, ngậm ngùi phê duyệt đơn xin phép của tôi trong hậm hực.

Tôi cười thầm, đáng đời anh ta lắm. Không muốn liên quan gì đến tôi nhưng lại toàn làm những trò hề thể hiện rất để ý đến tôi. Là kiểu đàn ông tham lam đã buông bỏ rồi nhưng vẫn cay cú khi người ta lọt vào tay thằng khác.

***

Sáng sớm tôi đã bị chị Vinh dựng đầu dậy. Mới bảy giờ sáng đã phải đi tắm rửa và sửa soạn chuẩn bị đến nhà bà nội.

Nhà bà nội nằm cách xa trung tâm thành phố khoảng hai giờ đi ô tô. Vì thế muốn đến đó sớm thì nhất định phải tranh thủ. Vì một năm chỉ có một ngày này để cả nhà họp mặt đông đủ nên bà nội tôi đã ra “nghị quyết” bắt buộc tất cả con cháu phải có mặt từ sớm để gặp gỡ và nói chuyện với bà.

Nhân một ngày đặc biệt, cũng là lần đầu tiên dắt người yêu về ra mắt gia đình nên tôi quyết định chơi lớn. Tôi mặc bộ đồ mà Thảo mua cho và dặm một chút son môi cho tươi tắn. Đang tự mãn với bản thân ở trong gương thì chị Vinh bước vào phòng. Mặt chị đầy bất ngờ, mắt chữ o miệng chữ a khi nhìn thấy bộ dạng mới lạ của tôi. Tôi ngại ngùng cười, chị thì không hết lời khen ngợi:

- Trời ơi trời ơi! Xem em gái tôi đi. Sao mà đẹp dữ dằn vậy nè. Hóa ra hằng ngày ăn mặc bình thường là để che giấu đi vẻ đẹp chết người này.

Vừa nói chị vừa xoay người tôi, ngó trước ngó sau vô cùng hài lòng.

- Hôm nay em đi với Dũng à? Sao cậu ta giờ này còn chưa thấy đến?

Tôi ngập ngừng đáp:

- Không ạ… Em đi với Tuấn. Dũng… Dũng bận.

Mặt chị Vinh liền biến sắc. Có vẻ chị không thích Tuấn bằng Dũng.

- Sao lại đi với Tuấn? Em và Dũng cãi nhau à?

Tôi quay sang lấy túi xách, lấy cớ để trốn cái nhìn đầy nghi vấn của chị Vinh:

- Em phải tranh thủ đi đây. Chị đã lấy quà mừng giùm em chưa?

Vừa nói tôi vừa nhanh nhẹn đi xuống phòng khách, thành công phân tán được sự tò mò của chị Vinh. Chị vừa bước theo tôi vừa đáp:

- Chị đã chuẩn bị và mang ra xe cho em hết rồi. Hoa tươi chị để phía trước. Quà mừng của cha em và em thì chị để sau cốp xe.

Ra đến cổng, Tuấn và anh Hùng tài xế đang đứng trò chuyện với nhau. Họ quay nhìn tôi và cũng bị bộ dạng mới lạ của tôi dọa cho đứng hình. Tuấn bước đến đón tôi:

- Chị hôm nay xinh quá!



Tôi mỉm cười đáp lại cho phải phép:

- Cậu cũng vậy.

Tuấn hôm nay đúng là bảnh bao thật. Để đi cùng tôi, cậu ấy đã cất công đi mua một bộ vest lịch sự. Tối qua khi đi mua đồ còn đặc biệt chụp hình gửi cho tôi xem và nhờ tôi lựa màu. Chàng thanh niên điển trai khi mặc vào bộ vest nghiêm nghị trông trưởng thành hẳn. Tôi và Tuấn lúc này có thể nói đứng cạnh nhau không bị chênh lệch là bao.

Xe sắp chuyển bánh, bất ngờ chị Vinh gõ cửa kính xe gọi tôi để dặn dò thêm:

- Nếu không thoải mái thì cứ về sớm. Không phải cố gắng làm gì nha em.

Qua gương chiếu hậu, tôi nhìn bóng dáng chị còn đứng tần ngần mãi chưa chịu vào nhà mà thấy thật thương.

Nhà bà nội có thể gọi là biệt phủ dù cho kiến trúc thì khá xưa cũ. Nhà chính, nhà phụ, nhà bếp, sân vườn trải rộng mấy trăm mét vuông. Bên cạnh đó còn có các ao cá, ao tôm, vườn rau ngoài trời để trồng rau của quả ăn quanh năm, nhà kính để trồng các loại cây quả hiếm có khó tìm. Bà nội là người yêu văn nghệ nên còn xây hẳn một nhà lớn để dành cho việc ca hát nhảy múa. Sân nhà bà để đãi một trăm bàn đám cưới vẫn còn dư.

Càng gần đến nơi không khí lại càng trong trẻo và thanh bình. Giá như mỗi lần về quê thăm bà mà không phải mang nặng tâm lý thì có lẽ tôi đã về thường xuyên hơn để có thể tận hưởng cảm giác thư thái này. Nếu bà nội cho phép, tôi bằng lòng ở lại cùng với bà nơi biệt phủ này. Bằng lòng an phận làm một đứa cháu ngoan ngoãn quẩn quanh bên bà. Sáng sáng ra vườn làm nông, tôi đến pha trà rót nước nghe bà ca hát, kể chuyện.

Chỉ tiếc rằng tôi không phải là đứa cháu được bà yêu quý. Từ bé đến lớn còn chưa từng được bà ôm trong tay chứ đừng nói đến việc bà muốn tôi về sống chung. Bà nội tôi là điển hình cho kiểu người cổ hủ. Đối với bà người đàn ông phải là trụ cột gia đình, phụ nữ làm nội trợ chăm sóc chồng con. Nhưng mẹ tôi lại là người phụ nữ tự lập, mẹ là một trong những CEO nổi tiếng trong nước. Khi còn rất trẻ mẹ đã tự mình lập công ty vận tải riêng.

Khi gặp và cưới cha tôi, mẹ tôi không chịu gác bỏ công việc để về làm nội trợ như ý bà nội muốn nên bà rất ghét mẹ. Thêm vào đó mẹ tôi còn không sinh được con trai nên vị trí của mẹ trong lòng bà nội chỉ là một con số không.

Người không được chào đón như tôi còn chưa thấy căng thẳng vậy mà bạn đồng hành của tôi thì mặt mày nghiêm nghị, tay chân gồng cứng cả lại. Tôi nhìn Tuấn, vừa thương lại vừa buồn cười.

- Cậu không sao chứ?

Tuấn gượng cười đáp lại, ánh mắt ngập tràn lo âu:

- Em căng thẳng quá… em cần phải chuẩn bị gì thêm không chị? Trông em… có ổn không?

Tôi chưa bao giờ nghĩ được rằng có một ngày đứa nhút nhát sống tách mình với thế giới như tôi lại đi an ủi cho người khác như bây giờ. Dù sao cậu ấy đến đây cũng là vì tôi nên tôi cảm thấy bản thân mình phải có trách nhiệm với cậu ấy. Tôi mạnh dạn đặt tay lên bàn tay lạnh ngắt của Tuấn và nói:

- Cứ bình thường thôi. Cậu còn có tôi mà.

Xe rẽ vào con đường nhựa nhỏ vừa đủ một chiếc bốn chỗ chạy vào. Hai bên là vườn cây ăn quả và ruộng hoa màu. Từ rất xa đã thấy lấp ló chiếc cổng gạch táp lô xây cao hơn ba mét bọc kẽm gai của nhà bà nội. Vài chiếc xe con đi trước cũng đang từ từ tiến vào trong cổng.

Anh em bà con lâu ngày gặp gỡ đứng tụm năm tụm ba tay bắt mặt mừng. Người làm kẻ xách nước kẻ nhặt rau đi ra đi vào như mắc cửi. Trong sân nhà là một cảnh nhộn nhịp vui vẻ như đám hội. Bà nội mặc một chiếc áo nhung xanh cổ tàu, ngồi ở chiếc bàn nhỏ bày trà bánh trước nhà chính. Xung quanh cháu lớn cháu nhỏ chạy quanh, ngồi quây vòng xung quanh tranh nhau nói cười.

Tôi khoác tay Tuấn chầm chậm đi về phía bà, bên cạnh là anh Hùng đang phụ xách quà sinh nhật. Các cô chú anh chị trong họ có lẽ không nhận ra tôi, một vài người ngây ra nhìn, một vài người bắt đầu thì thào gì đó với nhau.

Trong đầu tôi từ tối qua đã lập sẵn kịch bản để nói chuyện với bà nhưng khi nhìn vào nét mặt cương nghị của người phụ nữ ngoài tám mươi nhưng còn rất tinh tường ấy lại trở nên yếu đuối và ngốc nghếch. Tôi sượng sùng gập người cúi chào bà, lời chào hỏi không tài nào gãy gọn:

- Con… con chào… chào bà…

Bà nhấc cặp kính lão lên rồi nhìn từ đầu xuống chân tôi, khóe môi hơi nhếch cười ẩn ý:

- Càng lớn càng giống mẹ nhỉ. Con cháu gì mà cả năm không được lấy một lời hỏi thăm.

Bà nói xong liền quay qua nựng má thằng bé khoảng chừng ba tuổi đang ngồi bên cạnh bà, nhồm nhoàm nhai bánh. Chị gái ngồi bên cạnh tầm bốn mươi, ăn vận kín kẽ lịch sự cũng nhìn tôi một cái rồi cười ý nhị với bà:

- Bà đừng trách lớp trẻ. Bây giờ còn quá nhiều việc phải lo mà.



Bà không ngước lên nhìn tôi nữa, chỉ tập trung xem thằng chắt trai và chiếc bánh trên tay nó.

- Trẻ trung gì nữa. Chẳng phải cũng gần ba mươi tuổi đầu rồi sao? Đàn bà con gái thì bận rộn bôn ba làm gì chứ? Lấy chồng sinh con yên bề gia thất chẳng phải là hạnh phúc rồi sao?

Tôi vẫn bị bà bỏ mặc đứng như tượng dưới sân với hoa và quà còn chưa kịp trao tay. Tuấn lúc ấy lại rất hoạt bát, vui vẻ cúi đầu chào bà và các chị xung quanh:

- Con chào bà! Chào các cô các chị ạ! Con là Tuấn, bạn trai của Phi Yến.

Tiếng nói dõng dạc, ấm áp của Tuấn thành công thu hút sự chú ý của bà. Bà nhìn Tuấn rồi nhìn tôi.

- Được rồi. Quà cáp mang vào trong nhà đi. Rồi xuống bếp xem mấy chị có cần phụ gì không.

Mấy chị gái nhìn thấy vẻ đẹp trai sáng láng của Tuấn nãy giờ vẫn không ngừng nhìn ngó, ánh mắt lấp lánh ngưỡng mộ vẻ ngoài lãng tử của cậu.

- Đây chẳng phải là Phi Yến con gái của chú út đó ư! Nay trông khác quá nhỉ, Xinh đẹp lên là có người yêu ngay. Vậy là tốt rồi.

- Là con gái chú út nhà mình đây á? Ngày xưa nhìn như thằng con trai vậy mà giờ khác nhỉ?

Một chị nghe thấy nhịn không được tò mò mà thốt lên. Tiếp đó ba bốn người xung quanh cũng tập trung nhìn. Cũng không trách họ được, con cháu nhà này quá đông, tôi lại là đứa mờ nhạt nhất, trai không phải trai, gái chẳng giống gái. Mấy lần trước về cùng cha nên tôi không trực tiếp đứng ra chào hỏi mọi người vì vậy còn bị nhìn nhầm là người giúp việc trong nhà.

Chào hỏi bà xong, tặng quà cũng đã xong. Tôi cùng Tuấn đi lòng vòng thăm thú cơ ngơi của nhà nội để chờ đến bữa cơm trưa. Năm ngoái, tôi thường sẽ tìm một chỗ ngồi yên tĩnh xem điện thoại giết thời gian. Hoặc chạy xuống bếp phụ người làm nhặt rau, rửa thịt. Năm nay có Tuấn nên tôi không cô đơn nữa.

Bà tôi có sáu người con, cả trai và gái. Con gái thì thục nữ đoan trang, lấy chồng đều là đại gia, tài phiệt hoặc quan chức quyền cao chức trọng. Con trai thì đều là những ông chủ và chủ tịch có tiếng tăm. Rồi thì lớp cháu chắt của bà, thừa hưởng gen trội của dòng họ nội nên ai nấy đều giỏi giang và xinh đẹp. Đó là không kể đến lớp cháu họ, con chú con bác dây mơ rễ má cũng không kém phần long trọng, tài hoa. Tôi như một viên sỏi bị vứt giữa rá hột xoàn vậy.

Tôi len lén thở dài, nhìn tất cả mọi người có trong bữa tiệc mừng thọ này mà chẳng cảm thấy được một chút gần gũi tình thân. Thấy tôi nhút nhát nín thinh không bắt chuyện và không chào hỏi ai nên Tuấn sốt ruột lắm. Cậu ấy là người giỏi giao tiếp, bây giờ lại bị cột lấy với cục đá như tôi hẳn là rất ngứa ngáy. Tuấn nắm chặt tay tôi, đôi mắt như đang vỗ về trấn an trái tim hồi hộp lo lắng của tôi.

- Sao chị không mở lòng giao tiếp với người nhà? Không mở lòng thì chẳng ai dám đến gần mình cả. Để em giúp chị nhé?

Tôi còn chưa đồng ý đã bị Tuấn kéo đi. Cậu ấy xông xáo đến chào hỏi và làm quen với tất cả mọi người trong bữa tiệc. Vô cùng hào sảng giới thiệu cậu ấy là người yêu của tôi. Tôi miễn cưỡng cùng cậu diễn kịch. Nụ cười máy móc dán chặt trên môi. Cảm tưởng như tôi sẽ không bao giờ gỡ được biểu cảm này xuống nữa.

Như tôi dự đoán, có người nhận ra nhưng cũng có người còn chẳng nhớ nổi mặt mình. Chỉ có tôi là nhớ tất cả họ, nhớ từng cái tên, nhớ cả những đứa con trong gia đình họ như thế nào.

Vì sao tôi lại nhớ như thế ư? Vì nhiều năm trước đây, lần nào tôi cùng cha về cũng được nghe họ kể về những đứa con tuyệt vời của họ.

Năm tôi lên mười, Chú Nam nói với cha tôi rằng con chú vừa đạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi thành phố. Đứa trẻ mới tập đọc thành thạo tiếng Việt mà đã có thể vấn đáp lưu loát bằng tiếng Anh. Cha tôi lúc nào cũng khen nức nở về thành tích con của người khác, nhưng chưa bao giờ kể về thành tích của tôi.

Tôi vẫn luôn xếp hạng nhất trong lớp tiểu học. Cô giáo luôn khen với cha tôi rằng tôi có khiếu về hội họa, bức tranh tôi vẽ về gia đình được giải nhất toàn trường. Cha tôi không bận tâm, vẽ vời thì có gì đâu mà đáng tự hào.

Năm tôi mười lăm tuổi, Chú Sinh tự hào khoe đứa con gái xinh đẹp giỏi đánh cờ. Chị ấy được tuyển vào đội cờ quốc gia. Còn được trực tiếp chủ tịch nước xuống bắt tay chúc mừng. Cha tôi phấn khởi tự hào như thể chính con gái mình được vinh danh. Để dành cho tôi những ánh mắt hờ hững, chán chường. Con gái ông vừa không xinh đẹp mà ngoại hình còn chẳng khác nào một thằng con trai.

Mười lăm tuổi đã sống một mình, cha mẹ mỗi người mỗi ngả. Tôi học tốt hay học tệ đều không phải là vấn đề mà họ quan tâm. Tôi vì thế mà chẳng còn muốn cố gắng, điểm cao thì làm gì chứ? Được giải này giải nọ để làm gì chứ? Đổi lại chỉ là vài ba câu hời hợt qua điện thoại:

- Ừ! Cha biết rồi, giờ cha đang bận.

- Làm tốt lắm! Mẹ đang bận, nói chuyện với con sau.

Và rất nhiều năm sau đó, mỗi năm đến tôi lại cảm thấy sợ hãi khi phải trở về nhà nội. Sợ nhất mỗi khi ai đó khoe với cha về những đứa con tuyệt vời của họ. Rồi cha lại nhìn tôi với ánh mắt thất vọng.

Tôi học hành làng nhàng. Trường mầm non, tiểu học, trung học và ngay cả đại học đều là do mẹ sắp xếp. Tôi cứ thế đến trường đều đặn. Cha mẹ không bắt ép tôi phải có thành tích, tôi chỉ cần ngoan ngoãn ở trong sự sắp đặt của họ mà lớn lên đừng ảnh hưởng đến họ là được.