Chờ Đào Nở Đỏ, Liễu Rủ Xanh Phần 2 (Minh Châu Trả Quân)

Chương 2




Phần 2/5

5

Dáng vẻ hôm đó của ta hẳn là phải dọa cha hết hồn.

Sau khi hứa sẽ dọn nhà, cha mẹ ta vội vàng chuẩn bị hành trang. Thứ nào không tiện mang đi thì hai hôm nay bọn họ lục tục tặng cho người khác hết.

Ta một mình lẻn sang bờ tường nhà Lý Tử Mặc, trốn ở góc bắt chước chiêm chiếp như tiếng chim kêu.

Lý Tử Mặc nghe thấy tín hiệu ngầm thì chuồn êm ra, trên đầu dính đầy cỏ dại giống như vừa mới đi hái thuốc về.

Ta nhón chân lên, tỉ mỉ nhặt cỏ dại trên đầu huynh ấy, Lý Tử Mặc vội vã khom lưng nghiêng người về phía trước.

Đến lúc ta phủi tay ra hiệu đã xong thì thấy Lý Tử Mặc lại đỏ mặt.

"Tử Mặc, huynh có nguyện ý cưới ta không?"

"Chờ đến ngày muội cập kê, ta lập tức sang hỏi cưới liền."

Bị hỏi đột ngột nhưng Lý Tử Mặc lại đáp không chút do dự như sợ chậm chút ta sẽ đổi ý, đáp xong huynh ấy ngượng ngùng, gãi đầu cười ngây ngô.

"Thế giả sử ta không còn ở đây nữa thì sao?"

"Vì sao muội lại không ở đây nữa?"

"Ta đang nói là giả sử mà..."

"Giả sử à… Nếu muội không còn ở đây thì ta sẽ vẫn luôn chờ muội ở nơi này."

"Nếu như ta mãi không trở lại thì sao?"

"Vậy ta cứ chờ, kiểu gì cũng chờ được muội."

"Nếu không chờ nổi nữa thì huynh sẽ lấy người khác chứ?"

"Không đâu, ta sẽ một mực chờ để cưới muội, muội chắc chắn sẽ trở lại."

"Tử Mặc, ta sắp phải chuyển nhà rồi. Huynh có muốn đi cùng ta không?"

Ta nhớ lại kiếp trước, khi đó ta ngây thơ ngờ nghệch có biết gì về tình yêu đôi lứa đâu. Đến lúc bị thúc bá lừa đi, huynh ấy ngốc nghếch tìm tới tận nhà, lấy ra giấy chứng hôn mà cha ta giao cho huynh ấy trước lúc lâm chung, nói sẽ về nhà gom đủ sính lễ, dặn ta kiên nhẫn chờ huynh ấy đến rước về.

Thúc bá lo đánh rắn động cỏ nên đồng ý qua loa rằng lúc nào ta cập kê thì sẽ đưa về để thành hôn với huynh ấy. Nhưng khi Lý Tử Mặc hỏi ông ta định mang ta đi đâu thì thúc bá lại nổi nóng đuổi huynh ấy đi, giễu cợt huynh ấy là kẻ nghèo hèn, cóc mà đòi ăn thịt thiên nga.

Thúc bá đưa ta đi rất vội vàng. Ngày đó Lý Tử Mặc đuổi theo xe ngựa, mong ta nhớ kỹ ước hẹn, huynh ấy sẽ ở đây chờ ta trở về, chờ ta cập kê trở về gả cho huynh ấy.

Thế nhưng không ai trong hai ta lường được lần từ biệt này thật ra là vĩnh biệt, chúng ta không còn gặp lại nữa.

Hoặc cũng có thể coi như vận mệnh của chúng ta đã từng lướt qua nhau thêm một lần.

Khi ấy ta gian nan sống tạm bợ trong phủ tướng quân đến năm thứ bảy thì thành trì trấn thủ ngoài biên cương đột nhiên gặp nguy, tướng quân nắm giữ ấn soái ra trận.

Lần này tướng quân đi khó nói được ngày về, chủ mẫu không yên lòng nên thay vì để nữ nhân khác nhân dịp này thừa cơ chiếm chỗ trống cạnh hắn thì nàng ta phái ta, một thị thiếp không được yêu chiều đi theo hầu hạ.

Ta theo tướng quân đóng quân giữ thành trì, chiến tranh kéo dài mà đồ tiếp tế lại chẳng được bao nhiêu.

Tướng quân nghe lời đề nghị của phụ tá Giả Hủ, sai một đội quân âm thầm giả vờ làm thổ phỉ giết sạch mấy trăm cư dân huyện Liêu để làm lương thực.

Trong thành vang tiếng reo hò, người người nhà nhà mừng vui ăn một bữa thịt ngon.

Tướng quân và Giả Hủ cơm ngon rượu say hàn huyên cả đêm.

Đến lúc say mèm, Giả Hủ đùa cợt kể, có một thầy lang của huyện Liêu tự lấy thân làm mồi, dụ quân đội nấn ná trong núi mất bao nhiêu lâu, suýt thì phải lui quân vô ích, ghê tởm nhất chính là gã lang quèn đó vậy mà làm bẩn áo choàng mới của hắn.

Giả Hủ chém phăng đầu thầy lang xong vẫn chưa nguôi giận, còn muốn giận cá chém thớt luôn người nhà của gã này. Nào ngờ người này trừ một vị hôn thê nhiều năm chưa về thì tứ cố vô thân, hắn càng ngẫm càng thấy tức.

Bấy giờ ta mới giật mình nhận ra người Giả Hủ đang nhắc hẳn là Lý Tử Mặc. Chỉ là một câu vu vơ thuở thiếu thời của ta nhưng lại là ước hẹn cả đời với huynh ấy.

Trải qua bãi bể nương dâu, ta đã vụn vỡ trăm ngàn lần rồi bỗng quay đầu mới phát hiện, thì ra cũng từng có người trân trọng ta, yêu ta như sinh mệnh đến thế.

Kiếp này được làm lại từ đầu, ta chỉ muốn hỏi huynh ấy liệu có muốn đi cùng ta không.

"Nhà muội muốn chuyển đến đâu?" Lý Tử Mặc sốt sắng đến toát cả mồ hôi.

"Đi thẳng hướng bắc, đến Bắc Ngụy. Tử Mặc, huynh có đồng ý đi cùng ta không?"

"Khi nào thì đi?"

"Ba ngày nữa."

6

Ba ngày sau, hai gia đình thuê hai chiếc xe ngựa bôn ba về phương bắc.

Đêm trước khi lên đường, mẹ Lý Tử Mặc mời bà mối sang nhà ta ngỏ ý kết làm thông gia, ta và huynh ấy chính thức có hôn ước.

Một tháng sau chúng ta mới tới được đất Bắc Ngụy.

Cha ta thương nhà họ Lý mẹ góa con côi nên muốn thuê cho bọn họ một cái viện nhỏ bên cạnh để hai nhà lại tiếp tục làm hàng xóm.

Đào Hồng ló ra cười hì hì: "Cần gì phải lãng phí số bạc ấy, hay là chúng ta thuê một cái viện lớn hơn chút để ở cùng nhau, náo nhiệt biết bao. Hai nhà chúng ta đã là thông gia rồi, có khác gì người một nhà đâu."

Mẹ Lý đang định chạy lên cản miệng con bé thì mẹ ta đã chốt liền: "Cứ thế mà làm."

Ta quay sang nhìn Lý Tử Mặc trong vô thức, mọi khi huynh ấy coi trọng quy củ vô cùng, xem chừng sẽ không đồng ý.

Nhưng Lý Tử Mặc vái mẹ ta một cái: "Vạn sự trò xin nghe thầy cô sai bảo ạ."

Nói xong huynh ấy lại lén nhìn ta. Bốn mắt vừa chạm nhau đã vội vàng lảng tránh, trong lòng bồi hồi như có đàn bướm bay loạn.

Mấy ngày tiếp theo, cha ta và Lý Tử Mặc đi khắp nơi tìm kiếm nơi ở phù hợp.

Mẹ thì dẫn ta và Đào Hồng đi chọn mua nồi niêu bát đĩa chổi khăn để sửa soạn nhà mới.

Ta phát hiện ngay ra thị trấn này nằm giữa biên giới hai nước Bắc Ngụy và Đại Hạ nên việc bán buôn phát triển vô cùng. Đặc sản của Bắc Ngụy như giống ngựa Hãn Huyết*, da thuộc, bò, dê, pho mát,... và đồ vận chuyển từ Đại Hạ như sứ, tơ lụa, hương liệu, thảo dược,... đều đắt hàng cực kỳ.

(*Ngựa Akhal-Teke hay còn được gọi là 'hãn tuyết bảo mã', là một giống ngựa quý hiếm có mồ hôi đỏ như máu)

Ngoài ra một số tranh chữ và tranh thêu của Đại Hạ rất được lòng giới quý tộc Bắc Ngụy nên giá cả bị đội lên đến mấy lần.

Sau khi trở lại nhà trọ, ta thương lượng với người nhà tìm thứ gì đó để buôn bán ngay tại đây làm kế sinh nhai.

7,

Nửa tháng sau, hai gia đình chuyển vào viện mới thuê. Năm gian phòng ngủ, một gian phòng bếp, còn có một sảnh chính thật to ở đằng trước mà giá cả lại hết sức dễ chịu.

Lý Tử Mặc giải thích: "Nhà chủ giàu có, không màng kiếm tiền lắm. Họ thấy chúng ta bôn ba lưu lạc, thầy lại học rộng hiểu nhiều nên cho chúng ta thuê với giá thấp. Nếu có rảnh thì nên sang thăm hỏi nhà chủ một chút, phu nhân bên ấy là người gốc ở Đại Hạ, hay thương nhớ cố hương. Thường xuyên trò chuyện với người nhà mình chắc cũng khiến bà ấy được an ủi phần nào."

Mẹ Lý chắp tay trước ngực, lẩm bẩm: "Bồ Tát phù hộ, Bồ Tát phù hộ."

Đào Hồng dựa trên vai bà ấy: "Mẹ, về sau cuộc sống còn tốt hơn nhiều."

Sau đó con bé hết nhìn ta lại nhìn huynh trưởng nhà mình, cười rất chi là mập mờ.

Mẹ Lý bị chọc cười, vừa cười vừa mắng con bé sắp không còn bé nữa rồi mà chẳng ngày nào nghiêm túc tử tế cả.

Ta nhìn người trong nhà, có cảm giác khoan khoái chưa từng thấy.

Đúng vậy, về sau cuộc sống sẽ tốt hơn nhiều, chúng ta nhất định phải sống thật tốt.

Ngày hôm sau, sửa soạn nhà cửa xong xuôi thì mẹ ta làm rất nhiều loại điểm tâm của Đại Hạ, tự mình sang biếu phu nhân nhà chủ.

Ta và Đào Hồng cũng bắt chước cầm theo mấy tấm khăn tay chúng ta thêu đi tặng phu nhân.

Bà ấy vui vẻ cực kỳ, sai nha hoàn nấu nước để mời chúng ta ngồi lại ngắm hoa thưởng trà.

Đào Hồng không ngồi im nổi, thấy phu nhân nhà chủ đang hào hứng thì chủ động xin hát một khúc nhạc quê.

Phu nhân nghe xong thì nước mắt chảy dài, ôm Đào Hồng không nỡ buông. Sau đó bà ấy quay sang hỏi mẹ ta: "Cô nương nhà ai đây, đã đính hôn chưa?"

Mẹ ta cười đáp: "Đây là nữ nhi của bà thông gia với nhà tôi, chưa đính hôn đâu."

Phu nhân liên thanh nói ‘được’, Đào Hồng đỏ bừng mặt.

Khi chúng ta về nhà thì vừa hay cha và Tử Mặc cũng về, bọn họ đã tìm được công việc rồi.

Cha có học thức uyên bác nên xin vào làm ở lớp tư thục, Tử Mặc thì xin học nghề trong tiệm thuốc, dốc lòng noi theo nghề người cha quá cố của huynh ấy truyền lại.

Nữ nhân chúng ta thấy vậy thì cũng không muốn nhàn rỗi, bàn nhau thêu khăn để mở sạp buôn bán.

Cứ thế qua một năm, tiền bạc trong nhà dư dả hơn hẳn hồi còn ở huyện Liêu.

Cha ta cứ nhớ thương lũ học trò ở huyện Liêu. Nam nhân nhà bọn họ nếu không phải đã chết trận thì chính là đang tòng quân, rất nhiều nhà chỉ có thể dựa vào nữ nhân buôn hương bán phấn để kiếm tiền nuôi mẹ già con thơ.

Hiện giờ đã ổn định và dư dả hơn nên cha ta gửi rất nhiều tiền bạc về huyện Liêu.

Ta biết, nếu lúc trước không phải bởi vì ta thì nhất định cha mẹ sẽ không rời xa quê hương. Cha ta vẫn luôn thương dân cư huyện Liêu vô cùng, tuy không phải máu mủ ruột rà nhưng bỏ rơi bọn họ chung quy vẫn là nỗi hổ thẹn trong lòng cha.

Mẹ đã hỏi dò ta nhiều lần, ta giả bộ co giật nên cha mẹ không dám hỏi thêm nữa.

Ta không nói được nguyên nhân cho cha mẹ nhưng khi đó thực sự là bắt buộc phải rời đi.

Thiên tử nổi giận thì triệu xác người phơi, máu chảy ngàn dặm. Còn sự phẫn nộ của chúng sinh áo vải chẳng qua chỉ như muối bỏ biển, trứng chọi đá.

Chúng ta sinh ra đã chỉ như con sâu cái kiến, đối kháng với giới quyền quý có khác gì tự đâm đầu vào đường chết.

Tất cả những gì chúng ta có thể làm là bảo toàn bản thân đợi thời cơ chín muồi.

8

Hai tháng sau, có thư hồi âm từ huyện Liêu được gửi đến.

Trong thư ngoài thăm hỏi cảm ơn thì còn kể một chuyện kỳ quái.

Chúng ta vừa lên đường rời đi hơn một tháng thì có mấy nhóm người lân la vào huyện lùng sục tìm người.

Một nhóm người muốn tìm nữ tử biết múa vũ y nghê thường. Một nhóm khác muốn tìm nữ tử giỏi thêu thùa. Nhóm còn lại thậm chí trắng trợn cầm tranh chân dung na ná ta và mẫu thân âm thầm bắt những bé gái mười ba tuổi trong huyện.

Chúng ta đọc xong, ai cũng kinh hãi không yên.

Mặc dù chắc chắn người trong huyện sẽ ngậm chặt miệng nhưng cả nhà ta vẫn lo sợ bất an.

Lý Tử Mặc ngồi cạnh ngập ngừng mấy lần muốn nói lại thôi.

Đợi mọi người tản đi rồi huynh ấy mới nhân cơ hội kéo ta ra một góc.

"Quân Quân, tháng sau muội cập kê rồi. Đủ tuổi thì chúng ta lập tức làm lễ thành hôn luôn có được không?

"Sính lễ ta đã gom đủ rồi đây. Muội chỉ cần yên tâm gả cho ta, ta sẽ đối xử tốt với muội cả đời."

"Huynh lấy đâu ra tiền mà gom làm sính lễ?"

"Hồi trước ở huyện Liêu, mặc dù thăm bệnh không kiếm được mấy đồng nhưng ta bán thảo dược tích cóp được mười lượng bạc. Đến bên này làm học đồ thì mỗi tháng cũng được lấy năm mươi văn tiền."

"Tử Mặc, một lần huynh bán thảo dược kiếm được bao nhiêu tiền vậy?"

"Hai văn."

"Thế thì phải tích cóp lâu lắm nhỉ."

"Ai cưới vợ chẳng vậy?"

Ta nhìn thiếu niên ngu ngơ trước mặt, ngẩng đầu nhìn huynh ấy, khẽ cười: "Tử Mặc, vậy ta chờ huynh đến rước ta về nhà của chúng mình."