Tình Chị Duyên Em

Tình Chị Duyên Em - Chương 8





Khi tôi với bà hai và cái Yến đến bà ba đang nằm trên giường. Bà ôm bụng rêи ɾỉ:


– Chị Hiền… giúp em với… em đau bụng quá.


– Được rồi, cô nằm yên đi đã, động thai là phải hạn chế đi lại. Yến đâu về bảo con Chi sắc thuốc theo giấy này cho dì, giờ chờ thầy lang sang thì muộn mất. Nhanh lên.


Bà vừa nói xong thì bà cả cũng từ đâu bước vào. Vừa nhìn thấy bà cả, bà ba khẽ rụt lại, bấu chặt lấy tay bà hai đầy hốt hoảng. Thế nhưng bà cả vẫn điềm tĩnh, đứng đó một lúc rồi mới nói:


– Đã đau như vậy thì hạn chế gào lên đi chỉ tổ mất sức mà không được cái nước gì. Nằm yên, rồi chờ thầy lang đến, cố hít thở đều, chứ đừng khóc lóc.


Lời bà cả rất đanh thép, tuy có chút phũ phàng nhưng tôi lại thấy không sai. Bà ba nghe xong thì im bặt, thế nhưng đến lúc ông Lý về bà lại nắm lấy tay ông, nước mắt rỉ ra hai bên thì thào:


– Thầy nó về rồi đấy sao? Em đau quá thầy nó ơi, con chúng ta, nhất định không được để có mệnh hệ gì.


– Được rồi được rồi, bu nó yên tâm, có tôi ở đây không phải sợ gì hết.


Tôi lén nhìn bà cả, chợt thấy khoé môi bà cong lên. Hình như từ lúc lấy nhau về tới giờ tôi chưa từng thấy ông với bà gọi nhau thân mật như lúc ông gọi bà ba. Ba hai đang ngồi bên giường cũng đứng dậy nhỏ nhẹ nói:


– Bẩm ông, tôi tạm thời nấu cho em Bích ít nước thuốc để an thai đã. Chờ một lúc nữa thầy lang đến tính sau được không ông?


– Không cần đâu, thầy lang sắp đến nơi rồi.


– Dạ vâng thưa ông.


Ông Lý vừa nói xong, thằng Xoài cũng vội đưa ông thầy lang quen thuộc vào. Ông ta bắt mạch cho bà ba xong vội vàng đưa một phương thuốc cho con Na đi sắc rồi quay sang chỗ ông Lý nói:


– Ông giục con Na sắc mau lên, nhanh lên để bà con uống.


Bà hai nghe vậy liền nói:


– Bẩm thầy, thứ lỗi cho tôi mạo muội nhưng phương thuốc an thai của thầy có phải là sinh địa, hoàng cầm, hoàng bá, hoài sơn, bạch thược, tục đoan, cam thảo không ạ?


– Đúng rồi.


– Vâng, ban nãy tôi cũng giục đứa cháu tôi sắc một phương thuốc như vậy, thuốc có lẽ đã sắc xong, nếu cần gấp có thể dùng luôn. Tánh mạng là quan trọng nhất, chậm một li có khi cũng có thể xảy ra nhiều vấn đề nghiêm trọng rồi.


– Được được, vậy bà mang lên đây, tôi thử thuốc xem đúng liều lượng chưa sẽ cho bà ba uống luôn.


Bà hai thấy vậy liền gọi cái Yến, con bé xách nguyên ấm thuốc còn sôi sùng sục đi sang. Ông thầy lang thử uống một ngụm rồi gật gù giục nó rót thuốc ra bát đưa cho bà ba uống. Uống được một lúc, ông ta bắt mạch tượng vẻ mặt cũng giãn ra nói:


– Được rồi, bình an vô sự rồi. Ông Lý, bà ba thân thể yếu ớt nên cũng hạn chế vận động nhưng không có nghĩa là nhốt mình trong phòng. Phụ nữ mang thai rất cần ánh nắng mặt trời, vậy nên một tuần bà nên dành ít nhất ba đến bốn canh giờ chia đều cho các ngày để phơi nắng. Nhưng chỉ phơi nắng sáng sớm hạn chế nắng giữa trưa nhé. Tôi sẽ để ít thuốc an thai ở đây, mỗi ngày sắc uống một lần.


– Cảm ơn thầy.


Ông Lý tiễn thầy lang ra cổng, bà ba thì khẽ nắm tay bà hai nghẹn ngào nói:


– Hôm nay mà không có chị chẳng biết mẹ con em ra sao nữa.


– Chị có làm được gì đâu, chỉ là biết chút thuốc vì ngày xưa chị cũng từng bị động thai thằng Thành, dùng hiệu nghiệm nên giờ biết thôi.


Hai người cứ nói chuyện, đến khi ông Lý vào mới thôi. Ông nhìn bà hai, ánh mắt có phần cảm kích khác hẳn với sự hờ hững mỗi lần tôi bắt gặp. Thực lòng, tôi cũng biết ở nhà này bà hai bị ông Lý ghẻ lạnh nhất, cái Mít từng nói với tôi, ông Lý cưới bà hai là ngoài dự định. Trong một lần đi sang làng Liễu ăn cỗ, không biết thế nào hai người ngủ với nhau rồi bà hai có bầu nên ông mới rước bà về làm lẽ. Suốt thời gian đó ông cũng chăm bẵm cho bà nhưng rồi không biết vì lý do gì cuối cùng ông lại lạnh nhạt với bà. Đến tận bây giờ ông cũng chẳng mấy khi xuống dinh bà hai, thế nhưng bà cũng không oán trách lấy nửa lời, hằng ngày vẫn vui vẻ với con và cháu. Bà cả lúc này cũng đã lên buồng, tôi cũng bị cậu Bảo lôi đi. Mọi người thấy bà ba đã ổn thì bắt đầu giải tán hết chỉ có mình ông Lý ở đấy. Bà ba thân thể yếu ớt, lại sẩy thai quá nhiều lần, giờ mang thai có lẽ ai ai cũng lo lắng. Đêm ấy ông Lý ở lại dinh bà ba, tôi nghe trên nhà có tiếng bà cả khẽ thở dài. Ngọn đèn dầu bà chong đến tận sáng, lúc đi tiểu tôi đi qua buồng bà, thấy bà ngồi thẫn thờ trên giường với tay đọc sách. Tự dưng trong lòng tôi lại cảm thấy bà cô đơn quá, cơ ngơi này do bà cùng ông Lý gây dựng, đối với gia nô bà nghiêm khắc dạy dỗ nhưng tôi lại nghĩ chính vì thế mà mới có thể có đồng tôm, xưởng gỗ, và hàng trăm ruộng lúa như bây giờ. Chỉ có điều bà cay nghiệt với tôi, nên dù hơi thương thương tôi cũng đành chạy một mạch về buồng mà ngủ.


Những ngày tiếp theo, ông Lý liên tục ở dưới dinh bà ba, hoặc sang dinh bà hai. Chuyện ông tới chỗ bà hai đúng là chuyện lạ hiếm thấy, vậy nên từ trên xuống dưới ai cũng bất ngờ. Chỉ có bà cả điềm tĩnh như thường, hằng ngày bà đọc sách, còn dạy cái Mít học, rảnh thì lại ra đồng hoặc đánh tổ tôm, có hôm bà còn thuê mấy người hát chèo về hát rộn ràng cả sân. Tất nhiên với tôi bà vẫn tỏ rõ thái độ ghét bỏ, lâu lâu lại cho tôi ăn vài ba cái vả đầy vô lý. Tôi bị đánh thành quen, giờ chẳng biết đau là gì còn chai lỳ luôn cả cảm xúc. Nhưng lạ một điều, bà cả chỉ đánh tôi sau lưng cậu Bảo, chứ trước mặt lại không. Không biết có phải cậu Bảo biết hay không mà dạo này cậu cứ bám lấy tôi. Từ sáng tới tối nếu không ở buồng cậu mài mực cho cậu, xếp sách cho cậu thì cũng là cậu đứng đọc sách bên cạnh ngay khi tôi quét sân quét nhà. Tôi không muốn mình cứ liên tiếp nốc dưa bở nên ý nghĩ đó xoẹt qua rồi lại biến đi rất nhanh.


Độ một chục sau đó khi tôi đang ngủ thì nghe tiếng ri rầm ngay gian nữa, là tiếng ông Lý với bà cả nói chuyện.


– Bà hờ hững với tôi đến thế cơ à?


– Thế nào là hờ hững?


– Cả một chục ngày tôi không về, bà vẫn sống bình thường nhẩy? Còn thuê cả hội hát chèo về hát, bà thì kinh rồi, không có tôi vẫn chẳng sút đi lạng nào.


– Thế ông muốn tôi phải gầy mòn héo hon đi à? Cũng biết đây mới là nhà cơ à? Ông tự đi xuống với con mụ Hiền, với con Bích chứ tôi ép gì ông xuống?




– Tại sao bà không chịu nhường tôi một chút nào? Bà cậy mình được tôi nuông chiều rồi đâm ra làm mỉnh làm mẩy với tôi chứ gì. Tôi xuống đấy thì sao, sao bà không ghen đi.


– Tôi chả việc gì phải ghen tuông cho mệt người. Ông thích xuống với ai thì xuống, đi đâu thì đi, từ lúc ông rước nó về tôi đã không còn quan tâm nữa rồi.


– Hoá ra bà vẫn ghim thù cũ.


– Tôi ghim thù cũ đấy thì sao nào? Cái thứ tiện nhân như nó tôi hận thấu xương thấu tuỷ. Sao? Trợn mắt lên nhìn cái gì? Hay đợt trước thấy nó nói nó sẩy thai là do tôi nên giờ nó động thai cũng nghĩ là do tôi. Thích nghĩ sao thì nghĩ nhé, chừng nào có bằng chứng do con này thì hãy nói, không thì đây cứ vả miệng từng con một.


– Bà…


– Sao?


– Bà sao có thứ đàn bà nào như bà không? Chồng nói một câu cãi mấy câu, bà mà không phải con quan tôi đã cho bà biết thế nào là lễ độ rồi.


– Mà tiếc tôi lại là con quan đấy. Thôi ông cũng đi đi cho khỏi chướng mắt tôi. Đi xuống với chúng nó luôn đi.


– Thôi mà, tôi nhớ bà không chịu được.


Có tiếng lạch cạch cửa gỗ rồi tiếng đóng rầm một cái. Tôi cũng lậu ngọn đèn dầu cho thấp xuống rồi kéo chăn qua đầu. Hồi mới về còn khá lơ ngơ, nhưng giờ tôi bắt đầu nhận ra được một chút ít sự tình bên trong. Có cảm giác như người mà ông Lý yêu thương nhất là bà cả chứ không phải bà hai bà ba. Nhưng giữa bà cả với bà ba rốt cuộc có chuyện gì? Bí ẩn này khiến tôi tò mò vô cùng. Tôi nằm suy nghĩ rất rất nhiều, nhưng mọi chuyện cứ như mớ bòng bong. Vậy đứa bé tôi hay mơ rốt cuộc là ai? Bà ba sẩy thai là vì gì? Có phải là do bà cả như trong lòng tôi vẫn hay nghĩ không?


Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy, đã thấy ông Lý trên nhà. Hình như đêm qua làm lành được với bà cả nên mặt ông tươi hơn đôi chút. Đàn ông năm thê bảy thiếp cũng có suиɠ sướиɠ gì đâu nhỉ. Hôm nay tôi được ông với cậu Bảo gọi vào ăn sáng cùng, bà cả không thích nhưng cũng không còn thấy đuổi đi như mấy ngày trước nữa. Ăn xong tôi lại vào buồng mài mực cho cậu Bảo, rồi cùng cậu ra đồng tôm. Đồng tôm cách ao một đoạn khá xa, tôi với cậu men theo con đường làng đi ra, cái mùi cỏ cây thơm thoang thoảng khiến tôi thấy thoải mái quá chừng. Mùa đông rồi nên trời lạnh lẽo lắm, lúc đến nơi đã thấy cả cậu Thành đứng đó. Hai tay cậu chắp lại phía sau, vừa nhìn thấy cậu Thành cậu Bảo đã nói:


– Ra sớm thế? Nghe nói mười sáu này thầy rước cô Hương về cho chú hả?


Đột nhiên tôi thấy cậu Thành khẽ liếc tôi, một lúc sau thở dài đáp:


– Vâng.


– Chú không thích sao?


– Thích? Không, em còn chưa gặp cô ấy lấy một lần sao thích, cũng chẳng biết người ta ra sao.


– Ai cũng vậy thôi, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy là tục lệ mất rồi.


Tôi nhìn cậu Bảo, tự dưng thấy hơi mất mát. Cũng biết là cậu nói sự thật thôi nhưng lòng dạ cứ nặng trĩu cả đi. Cậu Thành lại lên tiếng:


– Em cũng biết vậy, vả lại bu em cũng xuất thân tầm thường nên càng không có tiếng nói mà phản đối. Chỉ là nghĩ hai người lấy nhau không có tình cảm rồi không biết thế nào nữa.


– Nghe nói bu chú thích cô Giang con quan tam phẩm hả?


Trời ơi, sao từ bà cả đến bà hai ai cũng thích cô Giang vậy nhỉ? À… tôi quên mất vế sau, hình như không phải mọi người thích cô Giang, mà mọi người thích con quan tam phẩm.


– Vâng, nhưng bu em hình như hơi mộng mơ quá rồi. Em thì chỉ muốn được lấy người mình yêu, mình thích, cuộc sống khó khăn chút cũng chẳng sao.


– Thế người chú tương tư là ai sao không đề nghị với thầy


Cậu Thành lại khẽ liếc tôi, hai khoé môi cong lên cười ha hả đáp:


– Đề nghị thì cũng đâu có được? Vả lại… người em thích… chắc gì đã thích em.


Cậu Bảo thấy vậy liền đấm đấm nhẹ cậu Thành mấy cái sau đó hất thức ăn xuống cho tôm. Hai người cứ nói chuyện mãi đến trưa mới về, tôi thì ra gốc đa ngồi nhìn theo bóng hai cậu. Tuy rằng ba bà không thương gì nhau lắm, nhưng tôi lại thấy cậu Bảo với cậu Thành rất thân nhau. Tôi ngồi vừa phe phẩy lá đa, vừa nhìn xuống ao, cái giấc mơ hôm trước lại như hiển hiện trước mắt. Hàng trăm câu hỏi vì sao luẩn quẩn trong đầu mãi không dứt. Có lẽ nào, mọi thứ nhìn bình lặng như mặt nước mênh mông, nhưng bên dưới lại vừa sâu, lại nhiều xoáy nước có thể cuốn cả một con người đi?


– Này, có về không?


Tiếng cậu Bảo cất lên khiến tôi hơi giật mình, tôi ném chiếc lá đa xuống đất rồi lẽo đẽo theo sau cậu. Cậu đi trước, tôi đi giữa, phía sau là cậu Thành.


Về đến nơi cậu Bảo liền quăng cho tôi một nắm xôi giò rồi nói:


– Ăn đi.


– Sao cậu suốt ngày cho tôi ăn xôi trắng với giò thế? Cậu nghiện món này à?


– Không ngon sao?


– Không phải không ngon, nhưng mà ngày nào cũng ăn lại thành ra chán.


– Có ăn là tốt rồi, còn bày đặt chê ỏng chê eo. Mà chẳng phải món này hồi bé cô thích ăn lắm sao, còn bảo ăn mãi không chán mà?


– Ai bảo cậu thế? Có thì tôi ăn cũng được, chỉ có chị Hạnh tôi là thích lắm thôi, chị ấy ăn mãi, ăn hoài, ăn quanh năm suốt tháng không biết chán là gì.


– Chị Hạnh?


– Đúng vậy.


Tự dưng tôi thấy cậu Bảo mặt hơi sa sầm lại.


– Mà sao cậu lại nghĩ hồi bé tôi thích ăn xôi giò vậy?


– À…không có gì, trước tôi thấy thầy Đạt hay mua về, cứ ngỡ là mua cho cô.


– Ui, cậu hấp ghê, nhà tôi ba chị em lận cơ mà. Nhưng dẫu sao cũng cảm ơn cậu.


Cậu liền giơ chân đá vào mông tôi một cái rồi châm chọc:


– Mà ăn in ít thôi, mông to hơn cái mâm rồi đấy. Ra nhận chị em với con nái sề kia đi.


– Chả sao, bu tôi bảo mông to dễ đẻ. Tôi là chị gái của nái sề tức là cũng là nái sề, cậu là chồng của nái sề thì được gọi là gì cậu Bảo nhỉ? Mít ơi Mít, con lợn chồng nái sề được gọi là gì hở Mít?


Con Mít chẳng biết đầu cua tai nheo thế nào thấy tôi hỏi thật thà đáp:


– Lợn đực phối giống hở mợ.


Cậu Bảo bị tôi trêu giận tím mặt, không thèm đáp đi vào buồng. Tôi đứng bên ngoài mà cười đau cả ruột.


Ngày mười sáu của tháng ấy nhà ông Lý cho người rước cái Hương về. Cái Hương tuy gia thế không hiển hách như cô Giang nhưng ông ngoại trước kia cũng làm quan viên mà quy tiên rồi. Ngày rước cái Hương về bà cả ngồi trên gian giữa mỉa mai:


– Đấy, con mụ Hiền ông còn rước cho cháu quan viên, thế mà thằng Bảo nhà ông lại để lấy cho cái nhà nghèo rớt mồng tơi.


– Bà lại thế rồi, cái Dung cũng là con thầy đồ nhà cũng gia giáo đấy chứ. Với bà Vương cũng nói, con Dung lấy thằng Bảo tiền đồ rộng mở bà khỏi lo đi.


– Rộng thế nào tôi chẳng biết chứ tôi là tôi thấy đứa con dâu ông cưới về cũng ngày càng rộng đấy.


– Là sao?


– Là trông béo trương béo nứt lên chứ sao?


– Béo gì, tôi thấy dáng nó giống y hệt dáng bà ngày xưa, đầy đặn, nở nang. Mà tính cách nó xem chừng cũng giống bà cái hồi ấy.


Bà cả xì một tiếng không thèm đáp đi về buồng. Tôi thì tò mò xem cái Hương thế nào, đến khi gia nô mở kiệu ra mới thấy nó xinh lắm. Trắng trẻo, thanh mảnh ghê luôn, con gái phải thế chứ cứ như tôi là béo thật rồi. Nó được đưa luôn về dinh của bà hai, ở dưới đó cùng bà. Bà cả cứ so sánh tôi với người này người kia, nhưng nhìn mà xem, cái Hương được bà hai dắt tay vào nhà, còn vui vẻ nói chuyện. Bà thì ngay từ đầu gặp tôi đã tỏ ý ghét bỏ, tự dưng tôi hơi hơi tủi thân ý.


– Sao vậy? Khóc à?


Tiếng cậu Bảo cất lên, tôi nhìn cậu hít một hơi lắc đầu đáp:


– Khóc gì mà khóc, cậu hấp, sao tự dưng tôi khóc chứ?


– Thấy người ta gầy gò thanh mảnh hơn nên ghen tỵ rồi khóc.


– Trời, lý do này cậu cũng nghĩ thay tôi luôn, bái phục, bái phục.


– Khỏi cần phục, từ mai tôi sẽ gọi dậy sớm chạy bộ cho gầy bớt đi. Cô có thấy Bảo công tử tôi đẹp trai thế này mà vợ xấu đui xấu mù thiên hạ nó cười cho à? Dù là lẽ hay chẵn thậm chí là ở đợ cũng phải đẹp. Cô xem, cái Mít nó hơi ngốc nhưng nó còn đẹp hơn, mảnh mai hơn cô. Không ra cái thể thống gì cả.


– Tôi không chạy đâu.



– Phải chạy.


– Chạy làm gì, Trư Bát Giới đi bộ bao nhiêu vạn dặm còn chẳng gảim cân được, người ta còn ăn chay. Tôi chạy xong về nốc sáu bảy bán bún với ba bốn nắm xôi giò thì cũng vậy thôi.


– Không cần biết, mai canh năm dậy chạy! Đừng nói nhiều!


Chạy thì chạy, ai sợ ai. Tôi không thích chạy vì giảm cân, chứ chạy khoẻ người thì cũng được.


Sáng hôm sau khi gà vừa gáy tôi liền bật dậy, ra ngoài đã thấy cậu Bảo đứng bên vênh mặt lên. Tôi vội chạy ra sân giếng đánh răng rửa mặt rồi cùng cậu chạy ra đồng. Dạo này hình như tôi béo lên thật, chạy mấy vòng đã thở hổn hển vì nặng nề quá. Cậu Bảo được thể càng châm chọc tôi còn kéo mạnh tôi đứng dậy đạp mất phát vào mông rồi nói:


– Đứng dậy chạy mau lên. Chạy năm vòng nữa rồi về.


– Cậu nói là được rồi, sao phải đá mông tôi nữa. Cậu biết đó là chỗ nhạy cảm của đàn bà không. Nam nữ thụ thụ bất thân, cậu làm vậy sau tôi mất hết cả mặt mũi nhìn người ta.


– Cô có mặt mũi gì mà sợ mất?


– Sao không, tôi cũng là người chứ nị.


– Lúc đòi làm ở đợ, rồi đòi sang làm vợ lẽ có mặt mũi gì không?


Tôi bị cậu nói xấu hổ không thèm đáp liền chạy quanh ao. Tôi chạy được một vòng, cậu chạy được ba vòng đến là nhục. Đến lúc tôi với cậu về đến nhà mặt trời cũng mọc. Vừa vào đến sân chợt thấy tiếng nhốn nháo, mấy gia nô đứng tập trung quanh sân. Tôi với cậu Bảo không hiểu chuyện gì cũng lao vào. Ngay giữa sân một người đàn ông tóc đã bạc chống gậy rồi nói lớn:


– Gia chủ, lão đây vừa đi ngang qua đã thấy âm khí, lão không muốn lo chuyện bao đồng nhưng lương tâm lão không cho phép làm ngơ.


Ông Lý đứng đó, bên cạnh là bà cả, bà hai, rồi cả cái Yến, cái Chi, cái Hương, cậu Thành. Ông Lý nhìn ông lão đáp lại:


– Có gì thầy cứ nói thẳng ra, ban nãy gia nô không biết nên mạo muội đuổi thầy đi.


– Có phải nhà này còn một người nữ nữa, quanh năm suốt tháng bệnh tật, có thai không giữ nổi đúng không?


– Dạ vâng.


– Âm khí nặng lắm, âm khí nặng lắm rồi. Nếu như cứ để thế này, e rằng nữ này chết yểu, vong hồn không siêu thoát nổi, làm ăn cũng lụi bại luôn.


Tôi nghe xong bất chợt sống lưng lạnh buốt. Hoá ra đây là một thầy bói. Ông Lý mặt tái đi hỏi lại:


– Vậy giờ phải làm sao hả thầy?


– Bùa phép cao siêu khó giải, phải tìm được bùa yểm ở nhà này.


– Là sao thưa thầy.


– Trong nhà chắn chắn có người ghét nữ này nên đã làm ra bùa yểm để âm khí của nữ bị nắm giữ mới sinh ra ốm yếu quanh năm. Ban nãy đi qua tôi đã ngửi thấy mùi bùa yểm đâu đây. Nếu không tìm ra bùa yểm sẽ không giải được bùa.


Ông Lý thấy vậy liền nhìn bả cả rồi nhìn sang bà hai quát lên:


– Là ai? Là ai làm bùa hại bà ba?


Ông hỏi mấy câu nhưng không ai trả lời liền rít lên:


– Đi lục soát hết tất cả các buồng, kể cả của người làm. Chuyện này phải làm cho ra nhẽ, bất cứ ai gây ra chuyện tày đình này cũng sẽ không tha.


Tất cả đám gia nô ai ai cũng run rẩy sợ hãi chạy đi tìm toán loạn. Đột nhiên thằng Sửu chạy từ trong buồng ra, trên tay cầm một hộp gỗ kêu lên:


– Bẩm ông, con tìm thấy thứ này trong buồng mợ Dung.


Nói rồi nó mở hộp gỗ ra, trong hộp gỗ là một hình nộm người co ghi bát tự của bà ba trên đó. Tất cả mọi ánh mắt đổ dồn lên tôi, tôi không thể tin nổi, há hốc mồm kinh ngạc.


***